Truy cập nhanh
Đóng truy cập
Lời hay ý đẹp:
Có ít nhất một người bạn để ta chia sẻ những tư tưởng và tình cảm thì tốt hơn là có cả một lô bạn hời hợt.
Bạn đừng hỏi bất cứ ai một việc gì khi trong lòng bạn đã quyết định, hãy làm theo những gì bạn nghĩ và đừng bao giờ hối hận vì nó.
Đạo đức cách mạng không phải là từ trên trời rơi xuống, nó được phát triển và củng cố trong đấu tranh và rèn luyện kiên trì hàng ngày, giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng tinh
Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, học trong cuộc sống là công việc cả đời.
Hiếu thảo là nguồn gốc của đạo đức.
Tức giận gây nên tức giận, tình yêu sinh ra tình yêu.
Khi chiến thắng được nỗi sợ cái chết bạn sẽ trở thành chủ nhân của cuộc đời mình.
Bạn đối xử với người khác như thế nào, họ sẽ đối xử với bạn như vậy.
Một người bạn dũng cảm cũng có thể trở thành một kẻ thù đáng sợ.
Chỉ có một việc quan trọng nhất là yêu nhân dân, yêu tổ quốc, dùng trí óc và linh hồn để phục vụ.
Yêu 1 người không yêu mình cũng như ôm cây xương rồng vậy. Càng ôm chặt thì càng làm bản thân mình đau
Bạn cười, thiên hạ sẽ cười với bạn; bạn khóc, bạn chỉ sẽ khóc 1 mình.
Người nào không muốn cúi xuống vì một xu lẻ thì không đáng có một đồng.
Dù có điều gì xảy ra thì kiên trì và ý chí sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả.
Khi trẻ đi đến quán rượu để uống rượu,về già sẽ đi đến quán rượu để ăn xin.
Tình bạn tươi tốt bên suối nguồn tha thứ.

(TG) - Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời cõi trần (19/7/2024), các bài viết ca ngợi về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của một người cộng sản kiên trung, trí tuệ, mẫu mực xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện báo chí - truyền thông và mạng xã hội. Vì vậy, một vài giọng điệu lạc lõng, xuyên tạc của các phần tử bất mãn, cơ hội, thù địch không thể làm giảm đi sự tiếc thương, lòng kính trọng của nhân dân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp ở trong nước và quốc tế dành cho Tổng Bí thư.

Hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nếu là người hãy là người cộng sản”!

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc, tháng 12/2023. (Ảnh: TTXVN)

NGƯỜI CỘNG SẢN BẢN LĨNH, KIÊN TRUNG, MẪU MỰC TRONG TƯ TƯỞNG VÀ HÀNH ĐỘNG

Một là, có thể khẳng định, với một người đứng đầu Đảng đã tận tâm, tận lực trong từng quyết sách để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam “chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1), thì những luận điệu phản động cho rằng vì “thật thà, cả tin, thiếu mẫn tuệ” nên Tổng Bí thư mới tin vào chủ nghĩa cộng sản, hay “ông đã gửi niềm tin vào cái viển vông, sai trái”... chỉ là sự xuyên tạc sống sượng, trơ trẽn đến nực cười.

Bởi rằng, học thuyết Mác - Lênin về chủ nghĩa cộng sản (CNCS), chủ nghĩa xã hội (CNXH) không phải là “huyễn hoặc, lầm lạc, giả dối và độc ác” như xuyên tạc, mà đó là đích đến của nhân loại. Hành trình đi đến CNCS (mà CNXH là giai đoạn đầu) tuy còn nhiều quanh co, nhiều khúc ngoặt và đầy thử thách, song lý luận về hình thái kinh tế xã hội khẳng định “sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự - nhiên”(2), vì thế, theo quy luật thì xã hội loài người tất yếu tiến đến hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử(3)Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng chỉ rõ “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(4). Cho nên, thực tế là không phải Tổng Bí thư “thật thà, cả tin” để gửi lòng tin son sắt vào học thuyết Mác - Lênin, mà đó chính là sự kiên định lý tưởng cộng sản; kiên định trước những thay đổi của thời cuộc để không chỉ khẳng định con đường đi lên CNXH của Việt Nam là đúng đắn, là phù hợp điều kiện của Việt Nam và xu thế phát triển tất yếu của lịch sử, mà còn đồng thời bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và lý luận về CNXH, chủ nghĩa cộng sản nói riêng trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Hai là, thực tế cũng cho thấy rằng, Tổng Bí thư không chỉ kiên trung, sắt đá để trao trọn niềm tin vào CNXH, mà bằng những bài phát biểu và bài viết của mình, người đứng đầu Đảng ta đã từ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn cách mạng Việt Nam để bổ sung, làm mới, làm rõ hơn lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Sự kiên định, kiên trung của Tổng Bí thư về CNXH, CNCS lan tỏa trong Đảng, trong cán bộ, đảng viên và người dân, chứ không phải là “trao truyền” cái “viển vông ấy” khiến người dân Việt Nam “cả trăm năm nữa cũng không biết đã có CNXH hay chưa” như các luận điệu phản động xuyên tạc, bôi đen.

Thực tế càng cho thấy là, những tác phẩm mà Tổng Bí thư để lại như: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt NamKiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnhPhát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc; Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới; Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc... đã không chỉ khẳng định giá trị vĩnh hằng của CNXH và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam được lịch sử ghi nhận, mà còn truyền lửa, thắp sáng niềm tin tưởng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên hành trình đi đến tương lai của dân tộc. Đó chính là hành trình đấu tranh cho độc lập dân tộc và CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn. Hành trình đó được tiếp nối bởi những người cộng sản bản lĩnh, kiên trung, tiêu biểu như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với trí tuệ, sự sắc sảo trong tư tưởng và hành động để làm sinh động hơn, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong bối cảnh, tình hình mới. Đây là sự thật bác bỏ hoàn toàn những chiêu trò xảo biện, xuyên tạc của các thế lực thù địch và phần tử bất mãn, phản động.

 

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023). (Ảnh: TTXVN)

Một sự thật hiển nhiên và khách quan được thể hiện rất rõ là, trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân dân Việt Nam và bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp ở trong nước, quốc tế đều đánh giá cao sự thông minh, sắc sảo, bản lĩnh, khôn khéo, linh hoạt; sự chân thành, nhân văn, ấm áp tình người của Tổng Bí thư trong cả tư tưởng và hành động. Một người cộng sản được đào tạo bài bản, trưởng thành qua nhiều vị trí công tác, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng đã không chỉ thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn lãnh đạo Đảng và toàn dân, toàn quân kiên định lý tưởng cách mạng, kiên định những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời làm mới, bổ sung bằng thực tiễn cách mạng Việt Nam, góp phần vào những thành tựu mà Việt Nam đạt được những năm qua, thì chắc chắn không phải là người “minh mẫn thiếu vắng”, “trí tuệ hạn hẹp”. Mà đó chính là một người cán bộ lãnh đạo cấp cao tài năng nhưng khiêm nhường; bản lĩnh, nhạy bén nhưng kiên trì với con đường đã chọn; gương mẫu, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình nhưng rất nhân hậu, bao dung - miễn là những quyết định đó ích nước, lợi dân, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Cuộc đời một người cộng sản bản lĩnh, kiên trung và sắt son với lý tưởng đã chọn, với những quyết sách kịp thời, phù hợp để xây dựng và chỉnh đốn Đảng... là sự thật mà tự thân nó đã chứa đựng chân lý và ánh sáng phản bác lại những giọng điệu bịa đặt, âm mưu đen tối. Sự thật và chân lý đó được thể hiện thông qua cuộc đời của một Tổng Bí thư nghiêm cẩn với chính mình, với người thân để nêu gương đúng đắn, nghiêm khắc, cần thiết với đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng làm cho Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong; góp phần vào thành tựu không thể phủ nhận của đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó là một cuộc đời rực rỡ, lan tỏa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là một tấm gương mẫu mực sống trọn vẹn trong lòng Tổ quốc và nhân dân. Nên là, dù đã đi xa, song Tổng Bí thư vẫn luôn đồng hành cùng đất nước trên hành trình vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh, hạnh phúc, chứ không phải “bi kịch” của cuộc đời Tổng Bí thư “đã dừng lại nhưng bi kịch của người dân Việt Nam thì vẫn còn đấy” như những kẻ suy thoái, phản động vu khống!

 

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và phu nhân gặp gỡ các kiều bào từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về tham dự Chương trình Xuân Quê hương năm 2019 tại Hà Nội, ngày 26/1/2019. (Ảnh: TTXVN)

TÂM HUYẾT, TÂM NGUYỆN CỦA TỔNG BÍ THƯ TIẾP TỤC ĐƯỢC TRAO TRUYỀN TRONG ĐẢNG, TRONG NHÂN DÂN

Một là, thông tin Tổng Bí thư bệnh nặng, rồi Tổng Bí thư từ trần và lễ truy điệu, an táng Tổng Bí thư luôn được mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân, mỗi chiến sĩ theo dõi sát sao. Vẫn biết sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của nhân sinh, song tình cảm, sự quan tâm và nỗi buồn trĩu nặng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trước sự ra đi của Tổng Bí thư là sự thật không thể phủ nhận. Là một người cộng sản mẫu mực, Tổng Bí thư đã trải qua nhiều cương vị công tác quan trọng như Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VII đến khóa XIII; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa VIII đến khóa XIII; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch nước; Tổng Bí thư từ khóa XI đến khóa XIII... Ở bất kỳ vị trí công tác nào, đồng chí cũng tận tâm, tận lực phấn đấu để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Tổng Bí thư cũng luôn thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập và làm theo tấm gương của Người để xứng đáng là một người cán bộ lãnh đạo - một người đày tớ thật trung thành của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Cuộc đời một người cán bộ cách mạng bản lĩnh, trí tuệ, sắc sảo trong từng quyết sách nhưng luôn giản dị, hòa đồng, chân thành, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn thương yêu cán bộ và nhân dân, gần dân với tấm lòng nhân ái đã không chỉ hấp dẫn những người từng được gần gũi, công tác cùng Tổng Bí thư, mà còn được các tầng lớp nhân dân trân trọng và kính yêu.

Là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa XI đến khóa XIII, đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng (tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất; tự phê bình và phê bình, gắn bó mật thiết với nhân dân…) để đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động; để đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn nhằm xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo con đường XHCN, mà còn lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, góp phần tạo dựng cho đất nước Việt Nam/con người Việt Nam một cơ đồ, một tiềm lực mới; một vị thế, một uy tín quốc tế ngày càng cao. Trên những chặng đường cách mạng đồng chí đã trải qua, có thể thấy quyết tâm, chủ trương, biện pháp cùng những kết quả đạt được trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ (mà đồng chí vừa ở cương vị Tổng Bí thư, vừa ở cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế ghi nhận, đúng như ông Y Luyện Niê Kdăm, đại biểu Quốc hội khóa X, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định: “Là người có nhiều đổi mới mạnh mẽ, những việc làm của Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng đều được dân yêu, dân thương và dân mến. Vì thế, tình hình đất nước được ổn định, đời sống nhân dân phát triển”. Những minh chứng đó đủ để thấy, luận điệu cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư “làm suy yếu chính các thể chế mà ông tìm cách củng cố và làm xói mòn nguyên tắc lãnh đạo tập thể” của các thế lực thù địch chỉ là sự suy diễn chủ quan, khiên cưỡng.

 

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các Buôn , thôn xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, năm 2018. (Ảnh: TTXVN)

Hai là, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là để làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị. Việc chú trọng công tác cán bộ, công tác nhân sự của Đảng từ xưa đến nay cũng chính là để lựa chọn và trao trọng trách cho những người vừa hồng vừa chuyên, đúng người, đúng việc... Việc phải “gạt bỏ” một cán bộ, đảng viên suy thoái ra khỏi đội ngũ chính là quyết định chặt “một cành” để cứu “một rừng” và những “cành cây mục” bị cắt bỏ chính là những người đã không còn danh dự của người đảng viên, đã “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, chứ không phải là sự lãnh đạo quyết liệt, không ngừng, không nghỉ trong đấu tranh chống tham nhũng của Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã “trớ trêu” tạo ra một “khoảng trống” lãnh đạo tiềm năng, kế tiếp và sự nghiệp chống tham nhũng của Tổng Bí thư “không chỉ chưa hoàn tất mà còn làm bộc lộ ra các căn bệnh trầm kha của hệ thống chính trị Việt Nam” như xuyên tạc.

Thực tế là, “dưới sự lãnh đạo tài tình của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế; đã có nhiều sáng kiến mang tính đột phá trong công tác xây dựng Đảng, góp phần củng cố một Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của người dân. Kinh tế - xã hội tăng trưởng mạnh mẽ; công tác xóa đói, giảm nghèo là điểm sáng, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc” như Phó Chủ tịch Đảng Cách mạng Tanzania Abdulrahman Omar Kinana khẳng định. Đây chính là sự thật bác bỏ hoàn toàn những luận điệu phản động của các phần tử bất mãn, cơ hội, thù địch tung lên mạng xã hội.

Là một người cộng sản không chỉ giỏi về lý luận khoa học, thể hiện rõ trong những tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là nhà chỉ đạo thực tiễn quyết liệt, nhạy bén với tư tưởng chỉ đạo “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong công cuộc “đốt lò” vĩ đại để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để tiếp tục con đường đi lên CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhân dân ta đã lựa chọn từ năm 1930.

Những tình cảm của đồng bào, đồng chí, kiều bào và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư chính là minh chứng bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, vu khống tung lên mạng xã hội của các thế lực thù địch khi chúng cho rằng Tổng Bí thư đã để lại một “di sản không trọn vẹn”, “chưa hoàn tất”, “công cuộc đốt lò đã thất bại”(!).

 

 

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Samdech Techo Hun Sen và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tại Cuộc gặp cấp cao Việt Nam - Campuchia - Lào, Hà Nội 6/9/2023. (Ảnh: TTXVN)

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị tiến hành Đại hội đảng bộ các cấp theo Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 14/6/2024 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mácxít - Lêninnít do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện luôn đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động; luôn tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; luôn phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, chống các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gắn với thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, tự soi, tự sửa để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng cán bộ, đảng viên, từng tổ chức cơ sở Đảng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tâm huyết, trăn trở và quyết liệt trong công tác hoạch định chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, chung sức, đồng lòng để giành được nhiều thành tựu ở những chặng đường tiếp theo.

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đảng viên cộng sản tài năng, bản lĩnh, đức độ, luôn thống nhất giữa nói và làm, nêu gương làm trước trong công tác cũng như trong cuộc sống đời thường; luôn gần dân, lấy nhân dân làm thước đo - chuẩn mực - mục tiêu - động lực để phấn đấu, hành động sẽ còn mãi trong tâm khảm người dân Việt Nam, kiều bào và bạn bè quốc tế. Trọn một đời thanh bạch tận hiến vì Đảng, vì Nước, vì Dân, Tổng Bí thư đã giành được trọn vẹn lòng tin, niềm tin yêu, sự kính trọng của đồng chí, đồng bào và sống trong lòng nhân dân. Một cuộc đời nghiêm cẩn, tận tâm, tận lực, hết lòng, hết sức phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam “sáng như trăng rằm” của Tổng Bí thư - Người luôn coi “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” chính là minh chứng sinh động nhất bác bỏ mọi luận điệu suy diễn, bịa đặt, bôi đen sự thật của bất cứ cá nhân, tổ chức phản động, thù địch nào!./.

TS. VĂN THỊ THANH MAI

__________________

 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr.322.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.23, tr.21.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2007, t.51, tr.133.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, tr.70.

Tác giả: TS. VĂN THỊ THANH MAI (tuyengiao.vn)